Mang thai và sinh con là một hoạt động bình thường của phụ nữ trong độ tuổi. Mọi phụ nữ mang thai có những thay đổi trên toàn bộ cơ thể (các cơ quan và hệ cơ quan). Ảnh hưởng sâu sắc đến thể chất, tinh thần, tâm lý, tình cảm, do tác động của những thay đổi về nội tiết, tình trạng thai nhi, đặc điểm cá nhân trong sinh hoạt, gia đình và hoạt động xã hội. Dưới đây là một số điểm cần chú ý, những quan niệm (có phần chưa đúng) về răng miệng và chăm sóc răng miệng ở phụ nữ mang thai.
Bệnh sâu răng
Tương truyền: Răng bị mất can-xi khi có thai nên dễ bị sâu: “mỗi lần sinh con là mất một cái răng”.
Sự thực: Răng dễ bị sâu!, không phải vì mất can-xi để thai nhi phát triển, mà vì các yếu tố thực phẩm và vệ sinh răng miệng.
Nhiều người ăn vặt (bánh, kẹo, snack)…để vượt qua chứng muốn ói, những cơn thèm ăn thừơng gặp trong những tháng đầu thai kỳ. Do đó, phụ nữ đang mang thai cần tăng cường giữ gìn vệ sinh phòng bệnh sâu răng.
Dự phòng: Cố gắng tránh ăn vặt, và chải răng sau mỗi bữa ăn. Súc miệng bằng Chlorhexidine 0,12% (biệt dược Eludril) nhiều lần trong ngày được chứng minh là có tác dụng tốt đối với dự phòng sâu răng ở phụ nữ có thai.
Mòn răng
Do chứng ói, ợ chua khá thường gặp, acid từ dạ dày tiếp xúc với men và ngà răng, xói mòn mặt trong các răng cửa và mặt nhai răng hàm.
Quá trình mòn răng diễn ra chậm, làm thai phụ ít để ý nhưng chắc chắn và không hồi phục. Trong trường hợp mòn đến lộ ngà, tình trạng này gây ê buốt và điều trị phục hồi khá phức tạp.
Dự phòng: Ngay sau khi ói, ợ chua, đừng chải răng! Cần súc miệng bằng nước súc miệng có Fluoride.
Viêm nướu và Bệnh nha chu
Tương truyền: Phụ nữ có thai phải tránh đánh răng.
Thực sự: Phụ nữ có thai thường bị viêm nướu, khu trú hoặc toàn thể. Bệnh thường bắt đầu từ tháng thứ hai và tăng dần trong thai kỳ đến tháng thứ 8.
Do những thay đổi nội tiết và mao mạch, làm cho mảng bám vi khuẩn và bệnh nha chu dễ xuất hiện. Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm trùng và có mối liên hệ giữa nhiễm trùng vùng miệng với nhiễm trùng toàn thân và ngược lại.
Điều cần chú ý hơn cả, bệnh nha chu là một yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ của đẻ non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Dự phòng: Giữ vệ sinh răng miệng, dùng bàn chải mềm để đánh răng. Cần khám răng, lấy vôi răng và điều trị răng sâu trong thời kỳ mang thai.
Nói chung, đối với phụ nữ có thai bình thường, không có chống chỉ định điều trị răng miệng
Những tình trạng khác
U nướu thai nghén (epulis): là một khối tăng sinh mềm, màu hồng ở nướu. Khối u thường phát triển nhanh trong 3 tháng giữa và nhỏ lại, mất hẳn sau khi sinh.
Răng lung lay do tình trạng viêm nướu và viêm nha chu, đồng thời có mất khoáng ở xương ổ. Răng sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.
Cần nhớ:
Chăm sóc Bà mẹ cũng là cho Con
Cần coi chăm sóc răng miệng là một ưu tiên trong thời kỳ mang thai.
Tránh những định kiến sai lầm, cho là không được chữa, nhổ răng hoặc ngược lại, “chăm sóc” quá mức.
GS.TS. Hoàng Tử Hùng -Nguyên Khoa Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, ĐH Y Dược TP.HCM